2

29.10.13

THƠ - SƯ – SĨ - TƯỚNG

SƯ – SĨ - TƯỚNG
( Cảm tác từ bài viết của GS Nguyễn Tuấn )

Sư – Sĩ hàng năm đến mấy ngàn,
lại thêm phong Tướng với phong Quan,
Tướng thời buôn tước, Sư mua giấy
Ngán ngẫm cuộc đời chẳng muốn than!!!

PT
29.10.2013





Lạm phát tướng - sư - sĩ ở VN

GS NGUYEN TUAN

Lâu lâu đọc được bài này (trên blog lề dân) có được vài thông tin hay. Tác giả bàn đến lạm phát kinh tế, nhưng “choàng” qua hai lĩnh vực lạm phát tế nhị: đó là lạm phát thứ trưởng và lạm phát tướng lãnh. Tôi muốn thêm một lạm phát nữa, và đó chính là lạm phát phó thủ tướng và giáo sư và tiến sĩ.

http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/10/lam-phat-o-viet-nam-co-gi-ac-biet.html

Ở nước ngoài tôi thấy chỉ có 1 phó thủ tướng hay 1 phó tổng thống. Úc chỉ có 1 phó thủ tướng. Mĩ như chúng ta thấy chỉ có 1 phó tổng thống. Thật ra, ở Úc hình như bộ nào cũng chỉ có 1 phó thôi (cái này tôi phải kiểm tra lại). Ở các nước Âu châu thì sao tôi không rõ. Còn Việt Nam có đến 4 phó thủ tướng, nhưng nghe nói sắp có 5 phó thủ tướng! Cũng có thể xem đó là một sự lạm phát phó thủ tướng.

Năm nay (2013), Việt Nam có thêm 547 giáo sư và phó giáo sư (56 GS và 491 PGS). Số GS/PGS năm nay tăng 78 người so với năm 2012, và 139 người so với năm 2011. Như vậy, tính từ năm 1976 đến nay, VN đã có 10198 GS/PGS, trong đó có 1530 GS và 8668 PGS. Đó là một con số rất lớn so với các nước trong vùng như Thái Lan. Theo thống kê tôi có được, Thái Lan có khoảng 2000 GS/PGS, nhưng tôi không biết bao nhiêu là GS.

Niên học 2010-2011, VN có 163 trường đại học và 50951 giảng viên. Trong số giảng viên, có 7338 người có bằng tiến sĩ. Nhưng không biết bao nhiêu người là GS/PGS. Nhưng số liệu niên học 2006-2007 thì cụ thể hơn: trong số 38137 giảng viên, có 5666 (15%) là tiến sĩ, 2432 là PGS và 445 là GS. Nói cách khác, số GS/PGS chiếm 7.5% tổng số giảng viên. Có thể đoán rằng tỉ lệ này năm 2013 có phần cao hơn, nhưng cũng khó vượt qua con số 10%.

Như vậy, 90% GS/PGS còn lại làm gì và ở đâu? Bạch hóa con số này tôi nghĩ sẽ rất hay vì nó sẽ phác họa được một nền học thuật VN đầu thế kỉ 21 ra sao. Trong khi chờ “bức tranh học thuật” đó, chúng ta có thể thấy vài bức tranh khác. Chẳng hạn như ngành quân đội và công an VN cũng có GS/PGS. Năm nay, ngành công an có 1 GS và 29 PGS. Năm 2011, quân đội có 53 GS/PGS. Nên nhớ rằng 50% bộ trưởng và 50% ủy viên Bộ chính trị có bằng tiến sĩ (một số là GS/PGS). Nhưng con số này vẫn còn ít, câu hỏi là phần còn lại có thể lên đến 80% đang làm gì và ở đâu? Câu hỏi này quan trọng vì mỗi năm số bài báo khoa học của VN trên các tập san quốc tế chỉ ~1000 bài, chỉ bằng 1/5 Thái Lan.

Hôm nọ, một anh bạn là nhà nghiên cứu sử nói rằng những lạm phát về tướng, sư, sĩ không phải là một tín hiệu tốt, mà báo trước những khó khăn sắp tới. Nhìn qua các triều đại “phong kiến” trước đây, sự lạm phát về tướng và sư sĩ cũng là một tín hiệu về “trouble”. Nhưng triều đại phong kiến thì khó có thể so sánh với thời nay, nên những lạm phát ngày nay chỉ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Trước mắt là ngân sách phải tăng để chi trả lương cho các vị. Nhưng nhìn qua phân tích trên đây, tôi nghĩ trong tương lai Nhà nước nên trả cái danh hiệu “giáo sư” cho giáo sư đại học, chứ đừng lạm dụng và lạm phát nữa.